Châu Âu và thế giới cần Ukraine chiến thắng

Bài viết của Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine, và Josep Borrell, Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Ngày 24 tháng Hai 2022, Nga đưa hàng trăm nghìn quân vào Ukraine, đánh dấu sự khởi đầu của một trận động đất địa chính trị lớn. Trong hai năm, châu Âu đã phải sống với thực tế nghiệt ngã của cuộc chiến tranh xâm lược lớn nhất lục địa kể từ Thế chiến thứ hai, với những hành động tàn bạo và kinh hoàng lan rộng.

Những gì Nga đang làm là một ví dụ điển hình về sự xâm lược thuộc địa và đế quốc của thế kỷ 19. Ukraine đang phải chịu đựng những gì mà nhiều quốc gia khác đã phải chịu đựng một cách tàn nhẫn trong quá khứ. Đối với Nga, cuộc chiến này chưa bao giờ liên quan đến tính trung lập của Ukraine, sự mở rộng của NATO, việc bảo vệ những người nói tiếng Nga hay bất kỳ lý do bịa đặt nào khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine không tồn tại như một quốc gia và bản sắc Ukraine là giả tạo. Cuộc chiến chỉ nhằm mục đích tiêu diệt một quốc gia độc lập, chinh phục đất đai và tái lập quyền thống trị đối với một dân tộc đã quyết định làm chủ vận mệnh của chính mình. Tham vọng đế quốc của Nga chắc chắn đã quen thuộc với nhiều quốc gia trên thế giới trước đây phải chịu sự thống trị và áp bức thực dân.

Hệ quả của hành động xâm lược của Nga chống lại Ukraine đã được cảm nhận vượt xa biên giới châu Âu. Chiến tranh đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực và giá năng lượng, đồng thời kéo theo các chiến dịch gây bất ổn chính trị và thông tin sai lệch trên quy mô lớn. Những làn sóng xung kích này đã thực sự mang tính toàn cầu. Putin đang mở ra một thế giới của những giao dịch. Ông ta triển khai Tập đoàn Wagner ở châu Phi, gây bất ổn cho các quốc gia khác qua các cuộc đảo chính, và gia tăng sức ép kinh tế thông qua những đe dọa về nạn đói - cung cấp ngũ cốc mà chính ông ta đã làm cho khan hiếm bằng cách đốt các cánh đồng ở Ukraine, nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng trữ lương, và chặn các tuyến xuất khẩu hàng hải quan trọng .

Vì vậy, chiến tranh và những hậu quả của nó là mối quan tâm của mọi quốc gia. Nếu Nga thắng thế, một thông điệp rất nguy hiểm sẽ được gửi đi, rằng “quyền lực đồng nghĩa với công lý”. Mọi cường quốc hung hãn trên khắp thế giới sẽ bị cám dỗ đi theo bước chân của Nga. Nếu sự gây hấn trở thành giải pháp, tại sao tất cả những nước có yêu sách lãnh thổ chống lại các quốc gia láng giềng của họ lại không hành động? Đây là lý do tại sao với nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, việc Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến là điều quan trọng.

Cuối cùng, cuộc chiến này không phải là để “phương Tây chống lại phần còn lại”. Ủng hộ Ukraine không phải là “thân phương Tây”. Mà đó là thái độ phản đối chiến tranh và khủng bố. Là sự ủng hộ nguyên tắc quan hệ quốc tế dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và ủng hộ quyền an ninh và tự do của người dân Ukraine. Ukraine và EU có chung quan điểm về quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21, hoàn toàn trái ngược với quan điểm của nước Nga của Putin. Tầm nhìn của chúng tôi dựa trên luật pháp quốc tế, sự tôn trọng và lợi ích chung, thay vì ép buộc, hối lộ và gây sợ hãi.

Không ai có mối quan tâm lớn hơn chúng tôi trong việc nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này và mang lại hòa bình cho lục địa châu Âu. Để đạt được điều này, Ukraine đã đề xuất một công thức hòa bình 10 điểm – với sự ủng hộ hoàn toàn của EU – không chỉ hướng tới việc chấm dứt xung đột mà còn bao gồm các đề xuất tăng cường an ninh lương thực, an toàn hạt nhân, bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng, công lý quốc tế, nhân quyền, và tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc.

Công thức này là đề xuất hòa bình nghiêm túc duy nhất trên bàn đàm phán và chúng tôi đang kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết hòa bình, hãy cùng chúng tôi thực hiện đề xuất này. Ukraine hiện đang tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu ở Thụy Sĩ, và EU đang tích cực hỗ trợ quá trình này. Các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới sẽ nỗ lực hướng tới một thỏa thuận về tầm nhìn chung, vì một nền hòa bình công bằng ở Ukraine dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc. Khi đó, ý kiến của đa số các quốc gia toàn cầu sẽ được đưa ra, khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia đàm phán một cách thiện chí.

Khi chiến tranh bước sang năm thứ ba, thông điệp của chúng tôi là kiên cường trước sự xâm lược và khủng bố. Chúng ta không thể và sẽ không cho phép sự gây hấn có thể có tác dụng thế kỷ 21; chúng ta sẽ chống lại sự gây hấn. Cách duy nhất để đạt được hòa bình công bằng là tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. EU đã thực hiện chính xác điều đó trong những tháng gần đây, và dự kiến sẽ tăng cường hỗ trợ hơn nữa vào năm 2024.

Mục tiêu chung của chúng ta là đảm bảo rằng Ukraine có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi, để có thể đạt được hòa bình và công bằng sớm nhất có thể. Sự hỗ trợ của thế giới là rất quan trọng để đạt được kết quả này. Vì lợi ích của tất cả mọi người, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, và hợp tác là ưu tiên cao nhất. Không được phép quay trở lại quá khứ đen tối của sự xâm lược quân sự, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân - ở châu Âu cũng như bất kỳ khu vực nào khác.