Mối quan hệ chính trị

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 10 năm 1990, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính của Liên minh châu Âu tại khu vực Đông Nam Á.

EU và Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương trải rộng khắp các lĩnh vực, từ các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh, các thách thức mang tính toàn cầu tới thương mại và phát triển. 

Được thành lập vào năm 1999, cơ quan đại điện ngoại giao của EU hướng tới: 

  • Hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và cải thiện điều kiện sống của người nghèo.
  • Khuyến khích Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới thông qua thương mại và hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế xã hội.
  • Hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam hướng tới một xã hội mở dựa trên quản lý công tốt, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao và mở Phái đoàn Ủy ban châu Âu, dấu mốc quan trọng tiếp theo của mối quan hệ song phương EU-Việt Nam là việc ký kết Hiệp định Hợp tác Khung EU-Việt Nam (FCA) vào năm 1995 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1996. Hiệp định FCA thiết lập các điều khoản hợp tác và mở rộng quan hệ của EU với Việt Nam vượt ra khỏi định hướng nhân đạo được xác định trong thời kỳ đầu. 

Vào năm 2012, EU và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ song phương bằng việc ký kết Hiệp định khung giữa EU và Việt Nam về Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) - đánh dấu cam kết của EU nhằm tăng cường và mở rộng phạm vi của quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi với Việt Nam. Hiệp định PCA đã đi vào hiệu lực trong năm 2016 này giúp mở rộng phạm vi hợp tác trong các lĩnh vực về thương mại, môi trường, năng lượng, khoa học và công nghệ, quản trị công hiệu quả, nhân quyền, cũng như du lịch, văn hóa, di cư và cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức. 

Thông qua sự tham gia của cả EU và các nước thành viên, PCA này đem đến một cơ hội để tăng cường sự gắn kết và phối hợp hiệu quả giữa chính sách của EU và các nước thành viên. PCA này cũng giúp mở ra các cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề chính trị, thương mại, kinh tế và phát triển cũng như đối với việc triển khai các chương trình hợp tác của EU. Và kết quả cụ thể đó là các cuộc Đối thoại tăng cường thường niên về Nhân quyền và Tham vấn Chính trị EU-Việt Nam ở cấp Thứ trưởng đã được thiết lập nhằm thực hiện một số khía cạnh quan trọng của Hiệp định PCA này. 

Về các vấn đề an ninh, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Thiết lập Khuôn khổ cho Việt Nam Tham gia vào các Hoạt động Xử lý Khủng hoảng của EU vào ngày 17 tháng 10 năm 2019 nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh song phương. Hiệp định này cũng tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào những hoạt động của Chính sách chung về Quốc phòng và An ninh của EU. 

Trên mặt trận Covid-19, gói "Team Europe" đã được ra mắt vào ngày 8 tháng 4 năm 2020 để hỗ trợ các nước đối tác của EU trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, trong cuộc chiến chống lại đại dịch và hậu quả của nó. Khoản hỗ trợ tài chính được cam kết là khoảng 35 tỷ euro và các nguồn lực được kết hợp từ EU, các quốc gia thành viên và các định chế tài chính. Là một phần trong kế hoạch hỗ trợ các nước đối tác trên toàn cầu, EU đã hỗ trợ 350 triệu euro để chống lại sự lây lan của coronavirus và giảm thiểu tác động của đại dịch đối với khu vực ASEAN. “Team Europe” cũng đã cam kết đưa vắc-xin COVID-19 trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu. Là một trong những đối tác đóng góp đầu tiên lớn nhất cho Cơ chế COVAX, Team Europe đóng góp 2,1 tỷ đô la Mỹ, tương đương 33% tổng ngân sách COVAX. Trong số các đối tượng hưởng lợi, Việt Nam đã nhận được lô vắc xin miễn phí đầu tiên và thứ hai theo cơ chế COVAX lần lượt vào ngày 1 tháng 4 và ngày 16 tháng 5 năm 2021. 

Thông tin thêm về quan hệ chính trị và kinh tế EU-Việt Nam có thể tham khảo trong các mục dưới đây. 

 

  • Image
    The signing ceremony of the EU-Vietnam Free Trade Agreement

    Signing Ceremony for the EU-Vietnam Free Trade Agreement.

Thương mại và Đầu tư

Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa đứng thứ 15 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020.

Nhiều tài liệu liên quan đến thương mại và đầu tư và thông tin chung có tại đây. Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình từ 6-8% trong thập kỷ qua. Vào năm 2020, các con số chính thức cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất trong khu vực với mức tăng trưởng 2,9%. 

Việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế song phương. Văn bản của EVFTA có sẵn bằng tất cả các ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu tại đây.

Với thu nhập bình quân đầu người là 2,715 đô la Mỹ, Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình thấp hơn. Nó bắt đầu tạo thành một thị trường quan trọng với 100 triệu dân có sức mua ngày càng tăng để có thể mua các sản phẩm chất lượng của châu Âu. Tại thời điểm này, các sản phẩm chính của EU xuất khẩu sang Việt Nam bao gồm nồi hơi, máy móc và sản phẩm cơ khí, máy móc và thiết bị điện, dược phẩm, máy bay và một số lượng rất hạn chế các loại xe có động cơ. Thực phẩm và đồ uống châu Âu cũng như các sản phẩm xa xỉ có giá trị cao cũng là những mặt hàng thương mại ngày càng quan trọng. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại, các sản phẩm điện tử, giày dép, dệt may, cà phê, gạo, thủy sản và đồ nội thất.

Chủ yếu do đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều giảm -5,5% xuống 43,2 tỷ euro, theo Eurostat, hay giảm -13,6% xuống 49,5 tỷ đô la Mỹ theo Tổng cục Thống kê Việt Nam.  

Sau 25 năm tăng trưởng liên tục, năm 2020, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm nhẹ (-0,3%). Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tiếp tục chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch (34,4 tỷ euro). Việc thực thi đầy đủ Hiệp định FTA được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất và phân phối của hai bên ở mọi quy mô, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.  

Năm 2020, EU trở thành thị trường nước ngoài quan trọng thứ ba của các sản phẩm Việt Nam. Thặng dư liên tục 25,6 tỷ euro mà Việt Nam được hưởng với EU giúp cân bằng đáng kể thâm hụt thương mại khổng lồ của Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc.  

EU đã mua tới 12% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam vào năm 2020. 

Tổng quan thống kê ngắn gọn và đầy đủ về các chỉ số chính liên quan đến thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể truy cập tại đây.

  • Image
    Vietnam EVFTA Training Workshop

    Hội thảo nâng cao năng lực (tháng Ba 2023) về Thực thi hiệu quả Quy tắc xuất xứ trong EVFTA, dành cho cán bộ Bộ Ngoại thương và các cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.

Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư

Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) là hai hiệp định toàn diện và hiện đại. EVFTA đã đi vào thực thi còn EVIPA đang chờ các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Để giúp hiểu rõ về hai hiệp định này, vui lòng tham khảo Sổ tay Hướng dẫn (phiên bản cập nhật 2019), với các kết quả và thành tựu của hai hiệp định.

Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam

EVFTA loại bỏ hầu hết tất cả các dòng thuế, dỡ bỏ các rào chắn về pháp lý và các thủ tục hành chính quan liêu , bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cung cấp thêm các cơ hội tiếp cận thị trường mua sắm công và dịch vụ. Cổng thông tin mới của Ủy ban châu Âu “Access2Markets”, được thiết kế cho các nhà xuất khẩu EU, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp nhiều thông tin chi tiết và hữu ích về các dòng thuế được áp dụng, quy tắc nguồn gốc xuất xứ, các yêu cầu của sản phẩm, thủ tục và giấy tờ về hải quan, thuế bán hàng/ tiêu thụ đặc biệt/ VAT, các rào cản thương maih và dữ liệu về thương mại. Thông tin này sẵn có với 24 ngôn ngữ chính thức của EU và có thể truy cập tại địa chỉ sau. 

Đặc biệt áp dụng cho riêng EVFTA, các cán bộ của Ủy ban châu Âu chuyên phụ trách về hải quản đã chuẩn bị một văn bản về quy tắc nguồn gốc xuất xứ (RoO) đăng tải tại địa chỉ sau.

Bảo vệ Quyền Sở hữu Trí tuệ

Bàn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) về Quyền Sở hữu Trí tuệ (IPR) ở khu vực Đông Nam Á cũng có các thông tin miễn phí về các dịch vụ IPR và các vấn đề liên quan bao gồm đào tạo, tài liệu và dữ liệu trên mạng cho Việt Nam. Bàn Hỗ trợ SME về IPR hỗ trợ các doanh nghiệp EU trong việc bảo hộ và thực thi các quyền về sở hữu trí tuệ liên quan tới địa bàn các nước Đông Nam Á, thông tin cụ thể có tại địa chỉ sau. 

EVFTA, với một phần liên quan tới bảo hộ IPR, đảm bảo các chỉ dẫn địa lý (GI) của Liên minh Châu Âu được bảo hộ đầy đủ tại Việt Nam. Việc công nhận và bảo hộ (trực tiếp) ở cấp độ cao đối vưới các GI có thể so sánh ngang bằng với mức bảo hộ GI tại EU theo luật định của EU. EVFTA bảo hộ 167 GI của EU và 39 GI của Việt Nam. Các GI này đại diện tiêu biểu cho các sản phẩm nông nghiệp EU như là rượu Champagne, pho mai Parmigiano, rượu vang Rioja hay pho mai Roquefort. EVFTA cũng cho phép việc bổ sung các GI mới trong tương lai. Tương tự các GIs của Việt Nam cũng được công nhận và bảo hộ tại EU, cho phép một khung pháp lý phù hợp để xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng đến từ Việt Nam như chè Mộc Châu hay cà phê Buôn Mê Thuột. 

Thương mại và Phát triển Bền vững

Thương mại và Phát triển Bền vững (TSD) là một phần không thể thiếu của EVFTA. Đây là một chương toàn diên và mạnh mẽ về các vấn đề môi trường và lao động liên quan tới quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam. Các cam kết đối với các Công ước lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đảm bảo các quyền cơ bản của công nhân sẽ được hai bên tôn trọng. Chương này (TSD) tăng cường các hoạt động giải quyết vấn đề Biến đổi Khí hậu, hỗ trợ việc bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên (bao gồm động vật hoang dã, lâm nghiệp và ngư nghiệp). Đặc biệt được lưu tâm là vấn đề về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp cũng như các chương trình thương mại công bằng và có đạo đức. 

EVFTA thiết lập một cơ cấu chi tiết và đủ vững chắc để đảm bảo thực thi đầy đủ chương TSD, bao gồm các cơ chế cho phép sự can dự của các bên liên quan tại EU và Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, xã hội và kinh tế.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

EU đóng góp nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ sáu cho Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Việt Nam), các nhà đầu tư EU đã đầu tư tổng vốn là 27.8 tỉ USD vào 2,450 dự án tại Việt Nam trong suốt 30 năm qua (tính đến cuối năm 2022). Hơn 60% các khoản đầu tư được thực hiện trong ngành sản xuất. Việc bảo hộ và thực thi đầy đủ IPR và các điều kiện về phát triển bền vững là các thành tố quan trọng giúp thu hút và giữ chân FDI đến từ EU. Tăng đầu tư vào Việt Nam từ EU cho phép Việt Nam hội nhập tốt hơn vào chuổi giá trị toàn cầu, từ đó giảm thiểu sự phụ thuộc của Việt Nam đối với các nhà đầu tư chủ chốt hiện tại. Các nhà đầu tư EU chịu sự ràng buộc bởi các tiêu chuẩn cao về quyền lợi công nhân và bảo vệ môi trường. điều này đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng của nền kinh tế và của xã hội Việt Nam. 

Góc độ về tiếp cận thị trưởng cho đầu tư nước ngoại được đề cập đầy đủ trong EVFTA. Thêm vào đó, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư, một khi được phê chuẩn, sẽ bao gồm các quy định hiện đại về thực thi bảo hộ đầu tư thông qua Hệ thống Tòa Án Đầu tư mới, đồng thời đảm bảo các quyền của chính phủ hai bên trong việc đưa ra các quy định bảo vệ lợi cho công dân các bên. EVIPA sẽ thay thế các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký kết với Việt Nam. 

Các thông tin thêm dành cho doanh nghiệp

Bên cạnh thông tin từ các Đại sứ quán và hiệp hội doanh nghiệp của các Quốc gia Thành viên EU, các thông tin hữu ích khác cũng được cung cấp bởi Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam.

  • Image
    Electricity supply via submarine cable to the Nhon Chau Island in the southern province of Binh Dinh through the EU-funded project

    Cung cấp điện qua cáp quang biển cho đảo Nhơn Châu, tỉnh Bình Định, thông qua một dự án do EU tài trợ.

Hợp tác phát triển

Liên minh châu Âu (EU) đã hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam hướng tới xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế thế giới. Từ năm 1990, EU đã cung cấp cho Việt Nam các khoản viện trợ không hoàn lại đáng kể dành cho các dự án và chương trình cụ thể.

Chính sách phát triển của EU được ghi trong văn kiện Đồng thuận châu Âu về Phát triển, được thông qua vào tháng 5 năm 2017. Chính sách phát triển chung đầy tham vọng của châu Âu này giải quyết theo một cách tích hợp các điểm trọng tâm chính của Nghị trình 2030: con người, hành tinh, thịnh vượng, hòa bình và quan hệ đối tác.

Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu

Vào tháng 12 năm 2021, Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu mới, chiến lược này đại diện cho các kết nối bền vững và đáng tin cậy hoạt động vì con người và hành tinh. Chiến lược giúp giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách nhất, từ chống lại biến đổi khí hậu, cải thiện hệ thống y tế, tăng cường khả năng cạnh tranh và an ninh của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là chiến lược tổng thể mới của châu Âu nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, sạch và an toàn trong các lĩnh vực số hóa, năng lượng và giao thông, đồng thời củng cố các hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu trên toàn thế giới.

Từ năm 2021 đến 2027, Team Europe, nghĩa là các cơ quan chính của EU và các Quốc gia Thành viên EU cùng với nhau, sẽ huy động khoản đầu tư lên tới 300 tỷ euro cho các dự án bền vững và chất lượng cao, có tính đến nhu cầu của các quốc gia đối tác và đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương. Điều này sẽ cho phép các đối tác của EU phát triển xã hội và nền kinh tế của họ, nhưng cũng tạo cơ hội cho khu vực tư nhân của các Quốc gia Thành viên EU đầu tư và duy trì tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn lao động và môi trường cao nhất, cũng như quản lý tài chính lành mạnh. Điều này phù hợp với cam kết của các nhà lãnh đạo G7 từ tháng 6 năm 2021 nhằm khởi động quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao và hướng đến giá trị để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu. Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu cũng hoàn toàn phù hợp với Nghị trình 2030 của Liên Hợp Quốc và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ, cũng như Thỏa thuận Paris.

Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu là đóng góp của EU trong việc thu hẹp khoảng cách đầu tư toàn cầu trên toàn thế giới. Trong bối cảnh này, EU hiện đang sử dụng một tỷ lệ ngày càng tăng trong các khoản viện trợ không hoàn lại của mình để thúc đẩy các khoản đầu tư liên quan đến phát triển, nhằm xử lý vấn đề rủi ro, năng lực, khả năng chi trả hoặc các trở ngại về quy định.

Quỹ châu Âu dành cho Phát triển Bền vững+ (EFSD+) là công cụ tài chính chính để huy động các khoản đầu tư theo Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu, tìm cách gia tăng đòn bẩy tài chính cũng như tác động mang tính chuyển đổi trong hoạt động hợp tác. Công cụ sáng tạo này tạo ra các khoản đầu tư thông qua khả năng bảo lãnh và các khoản viện trợ không hoàn lại có trộn vốn, đồng thời là một nguồn chính về tài chính khí hậu.

Hiệp định Đối tác và Hợp tác

Trong khuôn khổ các mục tiêu của Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu, hợp tác phát triển của EU được triển khai tại Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-VN (PCA). PCA, có hiệu lực từ năm 2016, mở rộng phạm vi đối thoại và hợp tác giữa EU và Việt Nam trong các lĩnh vực về đa phương, an ninh và quốc phòng quốc tế, thương mại, môi trường, năng lượng, khoa học và công nghệ, quản trị tốt, nhân quyền, cũng như du lịch, giáo dục, văn hóa, di cư và đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

Ưu tiên trong Hợp tác phát triển EU-Việt Nam

Sau khi tham vấn kỹ lưỡng với các cơ quan Chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và nhiều đối tác quốc tế của Việt Nam, EU đã thông qua Chương trình Định hướng Đa niên mới kéo dài 7 năm vào năm 2021. Chương trình Định hướng Đa niên 2021-2027 nêu lĩnh vực ưu tiên:

  1. Kinh tế tuần hoàn số ứng phó với biến đổi khí hậu;
  2. Tinh thần kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao kỹ năng để có việc làm thỏa đáng;
  3. Tăng cường quản trị, pháp quyền và cải cách thể chế.

Tổng số vốn dự kiến sẽ được cung cấp để hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực trên trong giai đoạn đầu 2021-2024 là 210 triệu EUR dưới dạng viện trợ không hoàn lại.

Trước chương trình hiện tại, Chương trình Định hướng Đa niên 2014-2020 đã góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là thông qua việc phát triển một ngành năng lượng bền vững và việc tăng cường quản trị và pháp quyền.

Hiện tại, các lĩnh vực chính trong hoạt động hỗ trợ hiện tại được tài trợ từ các chương trình 7 năm trước đó và chương trình hiện tại, bao gồm nhiều lĩnh vực hỗ trợ khác nhau, trong đó có chuyển đổi năng lượng, hành động khí hậu và phát triển xanh bền vững, quản trị kinh tế bao gồm cả quản lý tài chính công, chuyển đổi số, và thúc đẩy pháp quyền và tiếp cận công lý.

Các chương trình hiện đang được chuẩn bị dự kiến hỗ trợ thúc đẩy các quan hệ đối tác xanh do phụ nữ lãnh đạo, tăng cường việc làm thỏa đáng, giáo dục và đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, cải thiện quản trị rừng và các chuỗi giá trị dựa vào rừng, và hỗ trợ bổ sung nhằm tiếp cận tư pháp tôn trọng quyền con người.

Team Europe

EU và các Quốc gia Thành viên cùng hợp tác với tư cách là một Team Europe. Cùng với nhau, chúng tôi là một trong những nhà tài trợ cung cấp viện trợ không hoàn lại quan trọng nhất cho Việt Nam. Các khoản viện trợ không hoàn lại của EU dành cho Việt Nam được sử dụng phù hợp với các chính sách kinh tế-xã hội của đất nước và hỗ trợ cho các nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế của chính phủ nhằm đảm bảo sự tăng trưởng trong dài hạn và phúc lợi cho người dân.

Hai lĩnh vực chính mà EU và các Quốc gia Thành viên đang chung tay hỗ trợ Việt Nam là hai Sáng kiến Team Europe sau đây:

1. Kinh tế tuần hoàn số ứng phó với biến đổi khí hậu

2. Tinh thần kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao kỹ năng để có việc làm thỏa đáng

Những sáng kiến này được phản ánh đầy đủ trong chương trình định hướng đa niên của EU thông qua ưu tiên 1 và 2.

Ngoài ra, EU và các Quốc gia Thành viên cũng đang nỗ lực thực hiện các cách tiếp cận chung trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, lâm nghiệp, giao thông bền vững và hỗ trợ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cùng với các lĩnh vực khác.

  • Image
    Renewable Energy - Vietnam

Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)

Tuyên bố Chính trị về JETP được ký kết vào ngày 14 tháng 12 năm 2022 (ở Hội nghị Thượng đỉnh EU-ASEAN tại Brussels) giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG)[1] do EU và Vương quốc Anh là các đồng chủ trì.

JETP nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là đạt phát thải ròng bằng không, tăng tốc việc đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

JETP sẽ huy động một khoản tài chính ban đầu từ khu vực công và và tư trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Nếu đạt được mục tiêu này, JETP sẽ đưa ra ngày đạt phát thải đỉnh dự kiến cho toàn bộ lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam từ năm 2025 đến năm 2030.

  • Cơ chế này cũng tìm cách giảm tới 30% lượng phát thải đỉnh hàng năm của ngành điện, từ 240 megaton xuống còn 170 megaton vào năm 2030 và đưa ra ngày đạt phát thải đỉnh của ngành điện trong 5 năm cho tới năm 2030.
  • Giới hạn công suất điện than đỉnh của Việt Nam ở mức 30,2 gigawatt, giảm so với con số dự kiến trước đây là 37,0 gigawatt (2030).
  • Đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng tái tạo để năng lượng sạch chiếm ít nhất 47% sản lượng điện vào năm 2030, tăng so với tỷ trọng 36% trong sản lượng điện theo kế hoạch hiện tại.

 


[1] IPG bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Ý, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy.

Hợp tác với xã hội dân sự

Liên minh châu Âu công nhận một cách chắc chắn vai trò của xã hội dân sự trong sự phát triển và tầm quan trọng của của xã hội dân sự trong việc tham gia xây dựng chính sách, được thể hiện thông qua sự hỗ trợ chính trị và tài chính đáng kể mà EU đã dành cho các chủ thể xã hội dân sự trong nhiều năm qua.

Phái đoàn EU và các quốc gia thành viên EU lần đầu tiên xây dựng Lộ trình của EU về hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự (CSO) tại Việt Nam vào năm 2014, vạch ra các ưu tiên chính của EU trong hợp tác với các CSO tại Việt Nam. Các bản cập nhật thường xuyên của Lộ trình vào năm 2018 và năm 2021 nhằm đảm bảo rằng lộ trình này vẫn phù hợp với sự phát triển của quan hệ giữa EU Việt Nam, xuyên suốt các khía cạnh chính trị, thương mại và hợp tác.

EU cung cấp hỗ trợ tài chính cho xã hội dân sự tại Việt Nam thông qua các chương trình song phương, khu vực và chuyên đề. Một số đợt kêu gọi đề xuất trong khuôn khổ các chương trình này đã được phát động tại Việt Nam, với kết quả có hơn một trăm khoản tài trợ đã được trao. Các khoản tài trợ này bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, lao động, phát triển cộng đồng, bảo vệ trẻ em, nước và vệ sinh, tiếp cận năng lượng, nâng cao năng lực cho thanh niên, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, trao quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền đất đai, quyền tự do biểu đạt, như cũng như hỗ trợ xã hội dân sự tham gia vào việc thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và hỗ trợ cụ thể để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Lộ trình của EU về hợp tác với các CSO và sự hỗ trợ của EU đối với xã hội dân sự không chỉ đơn thuần là tài trợ cho các dự án. EU, cùng phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên, hiện đang hợp tác với xã hội dân sự thông qua các cuộc đối thoại chính sách cũng như hợp tác về kinh tế, thương mại và chính trị. EU có Hiệp định Đối tác và Hợp tác với Việt Nam, bao gồm cả xã hội dân sự và nhiều lĩnh vực khác theo một cách tiếp cận toàn diện. Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam cũng bao hàm cả một cơ chế cho sự tham gia của xã hội dân sự trong việc thực thi chương về thương mại và phát triển bền vững thuộc Hiệp định.

Các tổ chức xã hội dân sự mong muốn nhận tài trợ của EU có thể thường xuyên theo dõi trang web của Phái đoàn EU tại Việt Nam để nắm thông tin về các đợt kêu gọi đề xuất hoặc các bài đăng tương tự.

Khoa học, Công nghệ và Số hóa

Theo Khung Tài chính Đa niên của Liên minh châu Âu cho giai đoạn 2021-2027, có sáu lĩnh vực ưu tiên được xác định cho hoạt động hỗ trợ bên ngoài của EU: Thỏa thuận xanh; Tăng trưởng bền vững và Việc làm; Di cư; Khoa học & Công nghệ, bao gồm cả đổi mới-sáng tạo và số hóa; Quản trị tốt; và Phát triển con người.

Việc thúc đẩy các giá trị và nguyên tắc về nghiên cứu và đổi mới-sáng tạo của châu Âu cho phép EU duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu về khoa học và đảm bảo chủ quyền công nghiệp của mình. Nghiên cứu và đổi mới-sáng tạo sẽ đóng vai trò trung tâm trong:

  • tăng tốc và định hướng các quá trình chuyển đổi cần thiết
  • triển khai, chứng minh các giải pháp giảm rủi ro
  • thu hút người dân vào sự đổi mới-sáng tạo xã hội

Horizon Europe

Horizon Europe (Chân trời châu Âu) là chương trình Nghiên cứu và Đổi mới-Sáng tạo hàng đầu của Liên minh châu Âu với ngân sách 95,5 tỷ Euro trong giai đoạn 2021-2027. Chương trình này là một trong những công cụ chính để thực hiện chiến lược hợp tác quốc tế của châu Âu: Phương pháp tiếp cận toàn cầu đối với nghiên cứu và đổi mới-sáng tạo.

Chương trình này tạo điều kiện hợp tác và tăng cường tác động của nghiên cứu và đổi mới-sáng tạo trong việc xây dựng, hỗ trợ và thực thi các chính sách của EU đồng thời xử lý các thách thức toàn cầu. Chương trình hỗ trợ cho việc tạo ra và lan tỏa hiệu quả hơn các kiến thức và công nghệ xuất sắc.

Chương trình còn tạo ra việc làm, thu hút rộng rãi nguồn nhân tài của EU, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp và tối ưu hóa tác động đầu tư trong một Khu vực nghiên cứu châu Âu được tăng cường. Các pháp nhân của EU và các quốc gia liên quan có thể tham gia Chương trình.

Sự cởi mở của Horizon Europe đối với hợp tác quốc tế sẽ được cân bằng với sự cần thiết bảo vệ lợi ích của EU trong các lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là thúc đẩy sự tự chủ chiến lược của EU, khả năng lãnh đạo công nghệ và năng lực cạnh tranh của khối khi cần thiết.

Các yếu tố mới trong Horizon Europe

  • Hội đồng Đổi mới-Sáng tạo châu Âu: Hỗ trợ cho những đổi mới-sáng tạo có tiềm năng và tính chất đột phá, với tiềm năng mở rộng quy mô mà có thể được xem là quá rủi ro đối với các nhà đầu tư tư nhân. 70% ngân sách được dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
  • Nhiệm vụ: Những tập hợp của các biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu táo bạo, đầy cảm hứng và có thể đo lường được trong một khung thời gian đã định. Có năm nhiệm vụ chính trong Horizon Europe.
  • Chính sách khoa học mở: Quyền tiếp cập mở bắt buộc đối với các xuất bản phẩm và các nguyên tắc khoa học mở được áp dụng xuyên suốt chương trình.
  • Một cách tiếp cận mới đối với quan hệ đối tác: Quan hệ đối tác có mục tiêu và tham vọng hơn với ngành công nghiệp nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu chính sách của EU.

Xem thêm thông tin tại đây.

Chuyển đổi số

Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU tập trung mạnh vào việc thúc đẩy chuyển đổi số để kích thích sự kết nối. EU mong muốn tăng cường các liên kết giữa châu Âu và thế giới, bằng cách giúp các quốc gia đối tác giải quyết khoảng cách số, cũng như giúp tất cả các đối tác hội nhập sâu hơn vào hệ sinh thái số toàn cầu.

Tại Việt Nam, Phái đoàn EU đang hợp tác theo cách tiếp cận Team Europe cùng với các Quốc gia Thành viên EU trong việc thúc đẩy Số hóa cho Phát triển (D4D).

Kinh tế tuần hoàn số ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong ba lĩnh vực ưu tiên trong Chương trình Định hướng Đa niên (MIP) của EU dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2027. Trên cơ sở phối hợp với các Bộ ngành liên quan, khu vực tư nhân và các chủ thể phi nhà nước, Phái đoàn EU đang tìm hiểu các phương án nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực hợp tác khác nhau giữa EU và Việt Nam. Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm:

  • chuyển đổi song song xanh-số, tức là cải thiện kỹ năng số cho các nền tảng kinh tế tuần hoàn, cải thiện tính tuần hoàn trong các chuỗi giá trị của thiết bị kỹ thuật số/điện tử, chuyển đổi năng lượng thông minh hơn, v.v.;
  • kết nối số nâng cao, giá cả phải chăng và an toàn, cụ thể là an ninh mạng; kết nối internet băng thông rộng thông qua cáp quang hoặc vệ tinh; cơ sở hạ tầng số; v.v. và
  • quản trị điện tử và xây dựng kỹ năng điện tử.

Có tầm quan trọng không kém là lĩnh vực an ninh mạng. EU mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam liên quan tới Đạo luật Dịch vụ Số (DSA) về các thực tiễn trong kiểm duyệt nội dung của các nền tảng trực tuyến. DSA là một tiêu chuẩn vàng để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của không gian trực tuyến, và do đó có thể hữu ích trong việc thực thi Luật An ninh mạng của Việt Nam.

Bình đẳng giới

Chính sách của EU

Kế hoạch Hành động về Giới mới (GAP III) của EU cho giai đoạn 2021-2025 kêu gọi về một thế giới bình đẳng giới và sẽ mở rộng sự đóng góp của EU để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 5. GAP III của EU được xây dựng dựa trên nguyên tắc cốt lõi của CEDAW, công ước quốc tế mà Việt Nam phê chuẩn năm 1982. Công ước này tập trung vào đấu tranh chống bạo lực trên cơ sở giới và thúc đẩy trao quyền kinh tế, xã hội và chính trị cho phụ nữ và trẻ em gái. Công ước này đổi mới sự chú trọng vào quyền tiếp cận phổ quát với chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và tình dục, vào bình đẳng giới trong giáo dục. Công ước cũng lồng ghép khung chính sách của EU về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) và đưa quan điểm giới vào các lĩnh vực chính sách mới, như quá trình chuyển đổi song song xanh-số.

GAP III của EU có một mục tiêu rõ ràng là đến năm 2025, 85% tất cả các hành động đối ngoại mới của EU phải đóng góp vào sự bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Điều đó có nghĩa là EU sẽ cần đảm bảo rằng quan điểm giới được lồng ghép một cách nhất quán và thực chất trong tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa EU và Việt Nam, chẳng hạn như: kinh tế tuần hoàn số xanh, việc làm thỏa đáng và kinh doanh có trách nhiệm, quản trị và pháp quyền, hoặc thậm chí là giao thông vận tải, năng lượng hay đáng chú ý là các cơ sở hạ tầng số, là những lĩnh vực trọng tâm trong việc thực hiện chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU.

Hành động của EU

EU gần đây đã thông qua quyết định cung cấp tài chính cho Chương trình Đối tác Xanh do Phụ nữ lãnh đạo giữa EU và Việt Nam, nhằm thiết lập một quan hệ hợp tác chiến lược với các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Chương trình sẽ hỗ trợ các cuộc đối thoại có cấu trúc do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, giữa Chính phủ, Team Europe và các chủ thể phi nhà nước (NSA) về các cam kết quốc tế của Việt Nam đối với thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trương; bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Để bổ sung hỗ trợ kỹ thuật cho các cuộc đối thoại có cấu trúc, EU cũng sẽ cung cấp viện trợ không hoàn lại cho các sáng kiến do phụ nữ lãnh đạo về (a) thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu thiên tai và (b) các chuỗi giá trị số và tuần hoàn. EU kỳ vọng rằng những sáng kiến này cuối cùng sẽ thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự tham gia của nữ giới trong quá trình ra quyết định, cũng như trao quyền kinh tế cho phụ nữ ở Việt Nam.