Tuyên bố chung đánh dấu ba năm kể từ cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar

Sau đây là toàn văn tuyên bố chung của Đại diện Cấp cao Josep Borrell thay mặt Liên minh châu Âu và các Bộ trưởng Ngoại giao các nước Úc, Canada, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đánh dấu ba năm kể từ cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Ba năm trước, vào ngày 1 tháng Hai năm 2021, quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ được bầu ra một cách dân chủ, hủy hoại một thập kỷ tiến bộ.

Dưới chế độ quân sự, bạo lực chống lại thường dân ngày càng leo thang, với hàng ngàn người bị bỏ tù, tra tấn và giết hại. Các cuộc không kích, pháo kích và đốt phá đã được sử dụng để phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm nhà cửa, trường học, cơ sở chăm sóc y tế và nơi thờ cúng. Sự phân biệt đối xử có hệ thống đối với các thành viên của các nhóm tôn giáo và sắc tộc, bao gồm cả người Rohingya, đang lan tràn. Nhiều người phải di dời và tiếp tục phải đối mặt với những điều kiện khủng khiếp, còn những người khác buộc phải chạy trốn vượt biên giới Myanmar. Các hành động của quân đội đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng với 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và hơn 18 triệu người đang gặp khó khăn.

Chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, những hành động tàn bạo và những vi phạm nhân quyền đang diễn ra của chế độ quân sự, chẳng hạn như bạo lực tình dục và trên cơ sở giới, cũng như việc hạn chế các quyền tự do cơ bản bao gồm cả quyền tự do biểu đạt thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa và phương tiện truyền thông. Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi Tổng tư lệnh và quân đội thay đổi hướng đi, chấm dứt ngay lập tức bạo lực chống lại dân thường, thả tất cả tù nhân chính trị bị giam giữ phi lý, cho phép tiếp cận nhân đạo đầy đủ và tạo không gian cho đối thoại mang tính bao trùm với tất cả các bên liên quan.

Chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ những nỗ lực chung của ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực mang tính xây dựng của các vị Chủ tịch và Đặc phái viên ASEAN. Chúng tôi kêu gọi chính quyền quân sự thực hiện Đồng thuận 5-Điểm của ASEAN và hợp tác một cách có ý nghĩa và tích cực với các đại diện của ASEAN để Myanmar chuyển đổi sang một nền dân chủ bao trùm.

Chúng tôi tiếp tục ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2669 (2022) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhấn mạnh sự ủng hộ của chúng tôi đối với các hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Chúng tôi kêu gọi LHQ tăng cường các nỗ lực đối với Myanmar, bao gồm cả việc bổ nhiệm kịp thời Đặc phái viên và Điều phối viên thường trú, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ duy trì sự hỗ trợ để giải quyết các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp ở Myanmar.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy quân đội Myanmar chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại thực sự mang tính bao trùm nhằm thiết lập một tương lai dân chủ, hòa bình, đáng tin cậy cho Myanmar; đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cấp thiết của người dân Myanmar và những người tị nạn đã phải bỏ chạy sang các nước láng giềng, bao gồm cả những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, và ngừng cung cấp cho quân đội Myanmar vũ khí và trang thiết bị cần thiết để họ tiến hành những hành vi tàn bạo.

Ba năm sau cuộc đảo chính quân sự, chúng tôi tiếp tục đoàn kết với người dân Myanmar và mong muốn của họ về một nền dân chủ bao trùm và chân chính ở Myanmar.