Công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực về cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng với Việt Nam

Hôm nay, Nhóm Đối tác Quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh (Anh), Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Na Uy và Hoa Kỳ  do EU và Vương quốc Anh đồng chủ trì đã hoan nghênh và ủng hộ Kế hoạch Huy động Nguồn lực (RMP) thuộc cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam. RMP là một phần của cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, được thống nhất giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế vào tháng 12 năm 2022 và sẽ giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu về khí hậu của quốc gia.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo thế giới tại COP28 vào ngày 1 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực (RMP). Việc công bố RMP đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), được thống nhất giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) vào tháng 12 năm 2022, tại hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN ở Brussels và đã được nêu ra trong Tuyên bố Chính trị về JETP.

Cơ chế Đối tác này hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các mục tiêu đến năm 2030 nhằm đẩy nhanh việc đạt đỉnh và giảm mức phát thải khí nhà kính, đồng thời chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
 
RMP là bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc thực hiện JETP và về bản chất sẽ là một văn kiện sống, được cập nhật thường xuyên khi quá trình thực hiện diễn ra. Kế hoạch bao gồm một đánh giá về các khoản đầu tư ưu tiên, giúp Việt Nam thực hiện lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 và xác định một loạt hành động chính sách ưu tiên cũng như các cải cách về quy định pháp lý nhằm phát triển một môi trường thuận lợi cho đầu tư, thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Kế hoạch này cũng xác định các dự án đầu tư ưu tiên trong các lĩnh vực liên quan đến JETP và bao gồm các khối liên kết cho một khuôn khổ nhằm phân tích và giám sát khía cạnh công bằng của quá trình chuyển đổi năng lượng với mục tiêu cuối cùng là không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh. Trong tương lai, cần có quan hệ đối tác mạnh mẽ để triển khai các hành động chính sách được nêu trong RMP, đặc biệt là cải thiện khung khổ pháp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng đầu tư công và tư cần thiết.

RMP cung cấp thêm thông tin chi tiết về 15,8 tỷ USD tài chính đã được cam kết cho JETP, trong đó 8,08 tỷ USD do IPG cung cấp và 7,75 tỷ USD do Liên minh Tài chính Glasgow vì Net Zero (GFANZ) cung cấp. Nguồn vốn công của IPG sẽ được chuyển thông qua các công cụ và cơ chế tài chính khác nhau, như các khoản tài trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi và các công cụ chia sẻ rủi ro trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Những nguồn vốn này sẽ giúp huy động khối lượng tài chính tư nhân lớn hơn nhiều cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
 
Với việc công bố kế hoạch này, Việt Nam đã tiến thêm một bước nữa hướng tới việc đạt được các mục tiêu JETP đã được thống nhất trong Tuyên bố Chính trị:

●    Đẩy sớm thời điểm dự kiến đạt đỉnh của toàn bộ lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam từ năm 2035 lên năm 2030;

●    Đạt mức phát thải đỉnh hàng năm ngành điện là 170 megaton CO2e vào năm 2030;

●    Giới hạn công suất phát điện than của Việt Nam ở mức 30,2 gigawatt;

●    Đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 47% sản lượng điện vào năm 2030.

Chính phủ Việt Nam và IPG sẽ tiếp tục cùng nhau hợp tác nhằm thực hiện RMP. Ban Thư ký JETP và bốn Nhóm công tác (WG) [1] đã được thành lập để tiến hành Kế hoạch. Là một phần của các Nhóm công tác này, IPG sẽ hỗ trợ công việc phân tích kỹ thuật để hướng dẫn các hoạt động chính sách và đầu tư trong tương lai nhằm đạt được các tham vọng của JETP. Những nỗ lực tổng hợp này được thiết kế để giúp thúc đẩy các khoản đầu tư bổ sung vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu JETP của Việt Nam.

Xã hội dân sự cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và chấp nhận các biện pháp cũng như tác động liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Như đã nêu trong Tuyên bố Chính trị, điều quan trọng là xã hội dân sự phải tích cực tham gia một cách minh bạch ở tất cả các giai đoạn của JETP để đảm bảo quá trình chuyển đổi cần thiết này sẽ diễn ra một cách công bằng và bao trùm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Việc triển khai Kế hoạch Huy động Nguồn lực là một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện JETP, thể hiện sự tiên phong của Việt Nam trong việc mở đường cho một tương lai năng lượng sạch. EU tự hào là một phần của JETP và chúng tôi cam kết hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ những cải cách cần thiết nhằm đẩy nhanh đầu tư quan trọng vào năng lượng tái tạo và nền kinh tế xanh.”

THÔNG TIN THÊM 

Phát biểu của Chủ tịch von der Leyen về JETP Việt Nam tại COP28

Kế hoạch Huy động Nguồn lực cho JETP Việt Nam

 

****************

 

[1] Nhóm Điều phối (chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường), Nhóm Thể chế, Chính sách và Đầu tư (chủ trì: Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhóm Công nghệ và Năng lượng (chủ trì: Bộ Công Thương), Nhóm Huy động Tài chính (chủ trì: Bộ Tài chính).