Hội thảo Kỹ thuật giúp cung cấp thông tin toàn diện về Quy định Ngăn chặn Phá rừng của Liên minh châu Âu

Có hiệu lực đầy đủ kể từ ngày 30 tháng Mười hai năm 2024, Quy định Ngăn chặn Phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào thị trường EU và xuất khẩu từ EU không được có nguồn gốc từ đất góp phần gây ra nạn phá rừng và suy thoái rừng (tính từ ngày 31 tháng Mười hai năm 2020). Theo EUDR, một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như cà phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc tới cấp nông trang.

Ngày 12 tháng Bảy tại Tây Nguyên, Vụ Hợp tác Quốc tế (HTQT) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) và Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Trao đổi kỹ thuật về EUDR và ​​chuỗi cung ứng không phá rừng tại Việt Nam” nhằm rà soát tình hình chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu của EUDR, cũng như ​​các công cụ hỗ trợ để triển khai tại Việt Nam.

Đồng chủ trì bởi Vụ trưởng Vụ HTQT Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, và Tiến sĩ Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội tại Phái đoàn EU tại Việt Nam, sự kiện có sự tham dự của khoảng 70 đại diện từ các sở ban ngành thuộc Bộ NN & PTNT, chính quyền địa phương tại các tỉnh và huyện Tây Nguyên, các tác nhân ngoài nhà nước, khu vực tư nhân - bao gồm các nhà sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sản phẩm cà phê, gỗ và cao su - và các tổ chức trong nước và quốc tế khác.

Sau cuộc họp kỹ thuật vào tháng Ba năm 2024, hội thảo tuần qua là một phần trong loạt hành động chung giữa Vụ HTQT và Phái đoàn EU tại Việt Nam nhằm tạo nền tảng cho các đối thoại giữa các bên liên quan chính về chuỗi cung ứng không phá rừng, mang tính hợp pháp và có thể truy xuất nguồn gốc, cũng như trong việc tìm hiểu thêm về EUDR. Phản hồi và mối quan tâm từ phía Việt Nam đã được thu thập - đặc biệt liên quan đến các ngành cà phê, cao su và gỗ - với mục đích hướng tới tạo dựng các chuỗi cung ứng không phá rừng và hợp pháp.

Tại sự kiện, Vụ trưởng Vụ HTQT Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Việc Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EUDR không chỉ mang nghĩa tuân thủ các yêu cầu của một thị trường có tiêu chuẩn cao đối với xuất khẩu nông sản, mà còn là cơ hội để ngành nông nghiệp của đất nước chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, lấy nông dân làm trọng tâm và phát triển nông thôn”.

Tiến sĩ Rui Ludovino chia sẻ: “EUDR sẽ góp phần giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng trên toàn thế giới, do đó giảm phát thải khí nhà kính và giúp giải quyết hai cuộc khủng hoảng lớn của thời đại này: mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Nhu cầu và thương mại của EU đối với các mặt hàng và sản phẩm hợp pháp, không phá rừng sẽ tạo ra cơ hội cho những người nông dân quy mô nhỏ tại Việt Nam. Trên thực tế, việc tuân thủ EUDR sẽ cải thiện hệ thống sản xuất của họ, thúc đẩy chất lượng sản phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc dọc theo chuỗi cung ứng; từ đó, giá sản phẩm và sinh kế của người nông dân cũng sẽ tăng lên”.

Bối cảnh

Phái đoàn EU tại Việt Nam (thông qua dự án "EUDR Engagement") hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền thông và đối thoại xung quanh EUDR. Chính phủ Việt Nam, ở cả cấp trung ương và địa phương, đang tích cực chuẩn bị và hỗ trợ các bên liên quan của Việt Nam tăng cường chuỗi cung ứng hợp pháp và không phá rừng phù hợp với các mục tiêu quốc tế chung của EU và Việt Nam về mất mát khí hậu và đa dạng sinh học.

Cam kết của EU về chuỗi cung ứng không phá rừng

Thông qua EUDR, EU đặt mục tiêu giảm thiểu tác động của mình vào nạn phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu, qua đó giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ đa dạng sinh học. EUDR phù hợp với cam kết của EU đối với Thỏa thuận Paris, Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về rừng và sử dụng đất, và Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF). EUDR tập trung vào các công ty, không phải các quốc gia hoặc nhà sản xuất của nước thứ ba, qua đó chuyển trọng tâm từ hành động tự nguyện sang khuôn khổ quản lý bằng cách yêu cầu thẩm định đối với các công ty đưa các sản phẩm có liên quan vào thị trường EU.

Thông tin thêm về EUDR: https://www.eeas.europa.eu/eudr-documents-vietnam_vi?s=184 

Bản nội dung EUDR đầy đủ: PE-82-2022-INIT_en.pdf (europa.eu)

Viên Ngọc Bích

Cán bộ Báo chí & Truyền thông

Phái đoàn EU tại Việt Nam

Bich.VIEN@eeas.europa.eu