Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản: EU hoan nghênh việc ban hành Nghị định của Chính phủ về Hệ thống Đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, coi đây là một bước quan trọng hướng tới việc thực thi đầy đủ

17.09.2020

FLEGT

Ngài Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam ghi nhận việc hoàn tất Nghị định của Chính phủ về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS), nhằm thực hiện phụ lục có cùng tiêu đề trên của Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) giữa EU và Việt Nam về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (FLEGT). Đại sứ Aliberti tin tưởng vào sự tiếp tục cam kết của Việt Nam đối với VPA, Hiệp định đã có hiệu lực từ tháng 6 năm ngoái, và sự tích cực theo đuổi mục tiêu của VPA nhằm quản lý bền vững tất cả các loại rừng và tạo ra một khuôn khổ pháp lý nhằm đảm bảo tính hợp pháp của việc sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ, không phân biệt gỗ có xuất xứ trong hay ngoài Việt Nam.

Việc chuẩn bị cho Nghị định VNTLAS đã mở ra một quá trình tham vấn với các bên liên quan của VPA, bao gồm cả nhóm nòng cốt của nhiều bên liên quan tới VPA vào năm 2019, và phía EU biết ơn về các cơ hội đối thoại đã tiếp tục diễn ra trong và sau cuộc họp của Ủy ban thực thi chung VPA vào tháng 6 năm 2020. Nghị định VNTLAS giải quyết các yếu tố quan trọng của VPA liên quan đến xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Nghị định này cũng tạo ra cơ sở cho một Hệ thống Phân loại Tổ chức, mặc dù đã có một quy định phân loại cụ thể đối với các doanh nghiệp tham gia vào chế biến và xuất khẩu gỗ, quy định này vẫn thiếu một số yếu tố cốt lõi đã được dự kiến trong VPA. Một hệ thống bao gồm các tổ chức của các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước như vậy đã được dự kiến trong VPA như là một công cụ tạo thuận lợi cho việc đảm bảo tính hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung ứng tại Việt Nam và là yếu tố cốt lõi của VPA.

Nghị định dường như phản ánh các biện pháp kiểm soát nhập khẩu đã được cam kết trong VPA. EU mong muốn thấy các biện pháp này sẽ được xây dựng như thế nào sao cho phù hợp với VPA, tuân theo các bước phối hợp chung đã dự kiến ​​trong đó, và sau đó Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát này vào thực tế, bao gồm cả việc quy định cụ thể các biện pháp xử phạt hành chính hoặc hình sự một cách đầy đủ, tương xứng và có tính răn đe nhằm xử lý các vi phạm.

Nghị định cũng chỉ ra sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế cấp phép FLEGT. Tuy nhiên, một cơ chế như vậy chỉ có thể đi vào hoạt động khi một hệ thống VNTLAS vận hành đầy đủ phù hợp với VPA được xây dựng, thực thi và cùng được đánh giá là đáp ứng tất cả các yêu cầu của VPA.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Aliberti nhớ lại “Phạm vi của VPA mở rộng ra tất cả các doanh nghiệp tham gia trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng VNTLAS và với gỗ được cung cấp cho tất cả các thị trường nội địa và xuất khẩu. Do vậy Nghị định là một bước tiến đối với các cam kết này, nhưng nếu phạm vi của nó không phù hợp với VPA vào thời điểm Nghị định có hiệu lực, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu Việt Nam.”

EU mong muốn thấy cách thức trong tương lai mà Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi trên nhằm giải quyết vấn đề về tính hợp pháp, không chỉ ở khâu xuất nhập khẩu, mà quan trọng là đối với các doanh nghiệp tham gia khai thác, kinh doanh và chế biến gỗ trong nước cũng như gỗ nhập khẩu, và đối với các sản phẩm dành cho tất cả các thị trường.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã phê chuẩn VPA và đang tích cực xây dựng pháp luật nhằm tạo cơ sở cho các hệ thống và năng lực được phát triển để đảm bảo tính hợp pháp của việc sản xuất gỗ và do đó sẽ tiến hành các bước cần thiết để làm nền tảng cho mục tiêu cuối cùng là cơ chế cấp phép FLEGT. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Khu vực Kinh tế Châu Âu (EU, Iceland, Na Uy và Liechtenstein) từ các quốc gia có cơ chế cấp phép FLEGT đang hoạt động, như cho đến nay chỉ có Indonesia, sẽ được hưởng lợi, vì các lô hàng được cấp phép FLEGT sẽ không còn phải tuân theo các yêu cầu về trách nhiệm giải trình của Quy chế Gỗ Châu Âu. Một số quốc gia khác, mà Việt Nam đang có xuất khẩu, cũng đã bày tỏ sự quan tâm đối với một hệ thống VNTLAS hiệu quả, vì nó cũng sẽ tạo thuận lợi đối với việc nhập khẩu cho các doanh nghiệp của họ.

EU mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong quá trình xây dựng và thực thi quy định này và các quy định trong tương lai khi cần thiết nhằm đáp ứng tất cả các yêu cầu của VPA.

Cuộc họp của nhóm kỹ thuật về những bước tiếp theo chuẩn bị cho việc thực hiện VPA dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 10 tại Phái đoàn EU ở Hà Nội.