Chiến lược Hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

19.04.2021

EU và các quốc gia thành viên từ lâu đã có mối quan hệ rộng khắp và toàn diện với các đối tác của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực trải dài từ bờ biển phía đông của châu Phi đến các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngày nay, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tâm điểm chú ý của thế giới khi mà quá trình phục hồi kinh tế-xã hội hậu đại dịch COVID-19 đang diễn ra trong bối cảnh sự bất ổn địa chiến lược trong khu vực gia tăng.

Kết luận của Hội đồng về Chiến lược Hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được 27 Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên EU thông qua hôm nay thể hiện sự nhận thức của EU về tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này và cam kết củng cố vai trò của mình trong hợp tác với các đối tác tại đây.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đại diện cho một trung tâm kinh tế và chiến lược của thế giới. Đây là nơi sinh sống của 60% dân số thế giới, tạo ra 60% GDP toàn cầu, đóng góp cho 2/3 sự tăng trưởng toàn cầu hiện nay. Đến năm 2030, phần lớn (90%) trong tổng số 2,4 tỷ thành viên mới của tầng lớp trung lưu gia nhập nền kinh tế toàn cầu sẽ sống ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sự hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vô cùng quan trọng trong việc thực hiện nghị trình toàn cầu của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Trong những năm qua, EU đã liên tục có những đóng góp đáng kể trong khu vực về hợp tác phát triển và hỗ trợ nhân đạo, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tình trạng mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, đồng thời góp phần duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm cả vấn đề quyền con người và tự do hàng hải.

Do vậy, EU có một lợi ích lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có mọi lợi ích trong việc duy trì một cấu trúc khu vực cởi mở và dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, những biến động hiện tại ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã làm nảy sinh sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt, làm gia tăng áp lực lên thương mại và các chuỗi cung ứng cũng như những căng thẳng trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh. Tính phổ quát của quyền con người cũng đang bị thách thức. 60% thương mại đường biển thế giới đi qua các đại dương của khu vực, trong đó một phần ba là đi qua Biển Đông. Các tuyến đường của khu vực này cần phải được duy trì sự tự do và cởi mở.

Đây là lý do vì sao các Bộ trưởng Ngoại giao EU đã quyết định củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện và các hành động của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cách tiếp cận và sự can dự sẽ được thực hiện dựa trên một quan điểm dài hạn, với mục tiêu đóng góp vào sự ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực trên cơ sở thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Cam kết mới đối với khu vực này bao trùm tất cả các đối tác có mong muốn hợp tác với EU. Chiến lược này mang tính thực tế, linh hoạt và đa diện một cách có chủ đích, cho phép EU thích ứng và xây dựng mối quan hệ hợp tác của mình theo các lĩnh vực chính sách cụ thể mà ở đó các đối tác có thể tìm thấy điểm đồng dựa trên các nguyên tắc, giá trị cùng chia sẻ hoặc lợi ích chung.

EU sẽ tăng cường sự can dự sâu hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là với những đối tác đã công bố các cách tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng họ.

Việc thông qua Kết luận của Hội đồng cho phép EU tăng cường hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực như quản trị đại dương, y tế, nghiên cứu và công nghệ, an ninh và quốc phòng, kết nối và củng cố hợp tác cùng nhau trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

EU mong muốn được hợp tác với mọi đối tác của mình trong tất cả các lĩnh vực này, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ chung trong giải quyết các tác động to lớn về kinh tế và con người của cuộc khủng hoảng COVID-19, đảm bảo một sự phục hồi kinh tế-xã hội xanh, bền vững và bao trùm đồng thời tạo ra các hệ thống y tế có sức chống chịu tốt hơn.


Xem thêm